Cắm mốc ranh giới, coi chừng mất trắng
Cách đây hơn 20 năm, việc tạo dựng nên hàng rào, đường bờ đê đắp bằng chân, nhắm nhắm bằng mắt thường để “làm dấu” đất anh đất tôi là điều khá phổ biến. Thời ấy, đất đai cũng không phải quá hiếm, quá “hot” như bây giờ. Tôi còn nhớ như in những gì mẹ tôi kể: “Ba mày bán đất cho thằng cha A, ổng còn cho thêm 1m đất làm hàng rào nữa”. Một mét rộng, nhưng sâu thì gần 200m. Thoải mái thôi, đất bao la mà… Và cũng vào thời điểm ấy, những văn phòng đo đạc tư nhân và ngay cả những văn phòng địa chính của Nhà nước cũng chưa có các thiết bị tối tân như bây giờ. Đó cũng là lý do tại sao mà việc sai lệch ranh giới giữa các thửa đất là nhiều vô kể. Đặc biệt là các khu vực vùng ven, nơi mà được chuyển lên từ đất nông nghiệp.
Vừa rồi, bạn mình cũng “bị dính” một lô đất. Do làm ăn xa, không có thời gian ở nhà và cũng không quan tâm nhiều đến bất động sản. Đất đai ở các vùng ven thời trước bị bỏ hoang là chủ yếu, lên xã xin vài câu, làm cái đơn cho xây cái nhà cấp 4 để ở là “ô kê” thôi. Vậy là người đầu tiên cất lên, sai bét. Người thứ 2 canh theo đó mà cất, rồi người thứ 3 và thứ 4….Cuối cùng là “cả đám” đều sai mà cũng không ai biết. Ở đây, mình trình bày một thực tế là những “gia chủ vô tư” chứ không phải họ cố tình để lấn chiếm. Vậy thì người cuối cùng của thửa đất sẽ là người hoặc là “lời” nhiều nhất, hoặc là người “lỗ” nhiều nhất. Tôi thì chưa thấy ai lời cả, chỉ thấy toàn lỗ thôi. Mà khi đã phát hiện bị “mất đất” thì liệu họ có chịu để yên không ạ? Họ sẽ phải tìm ra nguyên nhân, cất công làm đủ thứ để cho trắng đen rõ ràng. Ở nông thôn, đôi khi tình làng nghĩa xóm, qua nói một câu là ổn rồi. Mai mốt có sửa nhà, cất lại thì “điều chỉnh”, có gì đâu. Chẳng lẽ giờ kêu họ giở nhà ra, coi sao được???!!! Thế nhưng, câu chuyện của bạn tôi đã khác xưa. Vừa rồi về ở, anh xây lại hàng rào để phân ranh cho rõ ràng bởi đã có nhiều hộ mới về đây ở. Hỡi ôi, miếng đất anh nằm giữa cho nên nếu theo kiểu xây của nhà bên phải thì nhà bên trái nói anh lấn chiếm, còn nếu theo bên trái thì bên phải họ lại ý kiến ý cò. Trăm bề khó xử vì phần trên đã xây nhà, phần phía sau còn là đất chưa xây. Phần lệch trên đất chưa xây thì cũng “dễ xử”, còn phần lệch mà đâm vô nhà 5-7m thì eo ôi, lằn nhằn lắm đây…Câu chuyện ấy chưa đến hồi kết, đất và nhà vẫn còn nằm đấy và ranh giới vẫn lệch. Anh chị có muốn mình bị vướng vô không, chắc chắn là không ai muốn rồi.
Cảm ơn ông Google rất nhiều, cảm ơn các công nghệ định vị vệ tinh, rồi các thiết bị hiện đại…Chúng đã giúp chúng ta nhìn rõ ràng từ trên cao, nhìn thấy chỗ chúng ta đang đứng, căn nhà đang hiện hữu, miếng đất có hình thù gì, toạ độ…Nếu ngày ấy, ông Google xuất hiện sớm hơn thì “đỡ biết mấy”. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể điều chỉnh được cái “ranh” bị lệch. Bởi đa phần sẽ liên quan đến rất nhiều hộ gia đình bên cạnh, có trường hợp lên tới 10 hộ gia đình. Mình thưa kiện người này, người này thưa kiện người kia, người kia thưa tiếp người kia nữa…Rồi có ai chịu đập căn nhà đang ở để điều chỉnh không? Bao lâu họ đập? Đập bao nhiêu căn nhà chứ có phải một hay hai căn đâu. Tin vui cho anh chị là giờ đây, chúng ta có thể dễ dàng kiểm tra một cách chính xác, có xác nhận bằng giấy tờ hẳn hoi với một chi phí hoàn toàn hợp lý. Việc kiểm tra ranh giới này còn thêm một mục đích nữa, đó là kiểm tra lại diện tích thực tế so với diện tích trên giấy. Nếu diện tích thực tế nhỏ hơn trên giấy thì chúng ta phải xem lại, bớt tiền mua và làm điều chỉnh lại. Nhưng nếu diện tích thực tế lớn hơn diện tích trên giấy tờ, chúng ta có phải thanh toán thêm hay không? Tại sao?
Đó là một trong những lưu ý dành cho anh chị khi tham gia mua bán, đầu tư bất động sản. Đặc biệt là các bất động sản vùng ven. Nếu có thể, anh chỉ hãy tham khảo thêm Điều 175: Ranh giới giữa các bất động sản và Điều 176: Mốc giới ngăn cách các bất động sản. Cả hai điều luật này đều nằm trong Bộ luật Dân Sự. Hoặc anh chị có thể liên hệ với mình để mình giải thích thêm cho anh chị được rõ hơn. Đây cũng là một trong những hạn mục chính nằm trong gói “Dịch vụ khảo sát và điều tra bất động sản” của Bất động sản Bình Chánh. Thuật ngữ “cắm mốc ranh giới” không còn xa lạ nữa, nhưng không ít người mua bất động sản, thậm chí là các nhà đầu tư bất động sản cũng đã bỏ qua bước này. Đôi khi việc cắm mốc ranh đất – Thửa đất hay còn gọi là cắm mốc ranh giới trở nên “không còn tác dụng” vì nhiều lẽ. Và nó cũng được cư dân thừa nhận, người mới đến cũng theo đó mà chấp nhận. Còn anh chị, nếu rơi vào hoàn cảnh đó, anh chị sẽ làm gì? Lời khuyên là nếu có thể, hãy kiểm tra ngay từ ban đầu và đừng để quá muộn. Việc phải chấp nhận sau khi kiểm tra là một hành động “chủ động”, tức là có chủ đích. Còn việc “đã rồi” thì sẽ mang đến niềm thất vọng mà có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, hạnh phúc của gia đình anh chị. Bài viết mong rằng anh chị sẽ hiểu chi tiết hơn trong hoạt động “soi” bất động sản. Cắm mốc ranh giới, cắm mốc ranh đất- thửa đất…nhớ nằm lòng nha chị. Chúc anh chị tìm được một bất động sản như ý.
*** Lưu ý: Anh chị đừng nhầm lẫn giữa “cắm mốc ranh giới” hay thuật ngữ khác là “cắm mốc ranh đất – thửa đất” với lại “Chỉ giới đường đỏ”. Và đây là khái niệm của chỉ giới đường đỏ: “Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa để phân định ranh giới giữa phần đất để xây dựng công trình và phần đất được dành cho đường giao thông hoặc các công trình kỹ thuật hạ tầng, không gian công cộng khác.” Trong khi đó, mốc ranh giới được hiểu đơn giản là đường bờ ruộng, là bức tường, là hàng rào để phân chia 2 thửa đất, 2 căn nhà, 2 bất động sản.
Bài viết khác